TT - Câu hỏi “Bạn phản cảm với câu nói sáo rỗng nào nhất?” đăng trên trang mạng Weibo ngày 8-1 đã trở thành một đề tài nóng và nhận được phản hồi của rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc. Nhân Dân Nhật Báo ngày 9-1 trích đăng lại một số câu nói bị người dân phản ứng nhiều nhất.
Mở đầu danh sách này là các câu nói của đa số quan chức Trung Quốc: “Không được (thế này)...! Không được (thế kia)..! Không được (thế nọ)...!”, “Cần phải (thế này)..., Cần phải (thế kia)..., Cần phải (thế nọ...!”, “Phải dốc sức...”, “Còn cần phải... Còn cần phải...”, “Phấn đấu...”, “Nỗ lực...”, “Nâng cao...”, “Thúc đẩy...”, “Đặc biệt coi trọng...”.
Hoặc như các câu nói thường hay nghe khi tiếp dân: “Cái này do pháp luật quy định”, “Tôi sẽ hỏi xin ý kiến lãnh đạo”, “Ông/bà cứ chờ thông tin! Thời gian cụ thể chúng tôi vẫn chưa thể xác định”, “Pháp luật quy định thế nào thì cứ làm thế ấy”, “Chúng tôi kiên quyết quán triệt việc thực hiện ...”, “Hôm nay lãnh đạo bận họp rồi!”.
Hoặc đại loại những câu nói theo kiểu “nói mà cũng như không” thường hay xuất hiện trong các trích dẫn trên báo đài: “Hãy cho tôi một cơ hội được phục vụ nhân dân”, “Chuyện ông/bà nói chỉ là vấn đề cá biệt”, “Chúng tôi vẫn đang tiến hành tìm hiểu”, “Chúng tôi luôn vì nhân dân phục vụ”... đến các câu “nói cho nhau nghe” như: “Các đồng chí vất vả rồi” mặc dù từ lãnh đạo đến lính lác đều đang ngồi trên bàn... nhậu!
Hoặc các câu nói “kinh điển” để tránh né mọi trách nhiệm như “Các thế lực bên ngoài”, “Tình hình trên là do yếu tố khách quan” hoặc các tuyên ngôn “Quyết không đi vào con đường xấu xa của phương Tây”. “Lãnh đạo các cơ quan liên quan sẽ có những biện pháp thích hợp để giải quyết vấn đề phù hợp với luật pháp và các quy định”. “Mỗi lần có việc tốt cần biểu dương, các cơ quan báo đài tha hồ tung hô và liệt kê chi tiết tên gọi của các cơ quan tổ chức, còn khi xuất hiện bê bối các cơ quan trên lại biến thành các tổ chức có liên quan”.
Theo báo Đô Thị Yến Triệu, thói quen nói những điều sáo rỗng đã trở thành căn bệnh chung của nhiều quan chức Trung Quốc. Chỉ cần mở miệng, các lãnh đạo có thể tuôn ra một tràng câu nói sáo rỗng. Vấn đề là các lãnh đạo không xem đây là lời sáo rỗng mà coi đây là phát ngôn thể hiện đẳng cấp “lãnh đạo” của mình. Báo này viết: lên án việc lãnh đạo ăn nói sáo rỗng không khó, cái khó nằm ở chỗ khiến lãnh đạo không còn dám nói sáo rỗng nữa. �Nếu không cho họ (quan chức) nói những lời sáo rỗng thì họ có thể nói gì nữa đây?”.
theo tuổi trẻ online