Việt Nam - “Gã khổng lồ” thương mại điện tử đang ngủ quên

Tại Việt Nam, khoảng một phần ba dân số giờ đây đã sử dụng internet và 60% trong số họ lên mạng tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng.

(Dân trí) - Đây chính là nhận định của báo điện tử Bưu điện Bangkok của Thái Lan căn cứ trên các lợi thế của Việt Nam. Dù vậy bài báo cũng khẳng định chính phủ cần có thêm những chính sách để đánh thức “gã khổng lồ” này.

Với tiêu đề “Một gã khổng lồ thương mại điện tử đang ngủ quên”, bài báo được Bangkok Post đăng tải trong tuần qua đã chỉ rõ những yếu tố thuận lợi để giúp hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) có thể phát triển mạnh trong tương lai: “Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc phổ cập internet và TMĐT hơn 10 năm qua đã giúp hoạt động này ngày càng trở nên phổ biến”, bài báo viết.
 

 Những dẫn chứng được Bangkok Post đưa ra đó là việc mua và bán thông qua các trang web TMĐT đang thịnh hành với các hàng hóa, dịch vụ như: vé máy bay, tour du lịch, đặt phòng khách sạn, thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính, sách báo, nước hoa và hoa tươi. 

 
Bên cạnh đó các phương thức thanh toán và giao hàng tại Việt Nam cũng rất linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của người mua, những người đa số vẫn chưa có thẻ tín dụng, thông qua dịch vụ chuyển tiền trực tuyến của ngân hàng hoặc dịch vụ trả tiền khi giao hàng. 
 
“Tại Việt Nam, khoảng một phần ba dân số giờ đây đã sử dụng internet và 60% trong số họ lên mạng tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng. Tốc độ phổ cập internet tại đây đã đạt mức cao nhất châu Á, với tăng trưởng trung bình là 20%/năm trong suốt giai đoạn 2000 – 2010”, bài báo khẳng định.
 
Dẫn số liệu khảo sát của Bộ Công thương đối với 3400 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, tờ báo của Thái Lan cho biết hiện khoảng 60% doanh nghiệp đã triển khai TMĐT với khách hàng doanh nghiệp, 95% trong số đó nhận đơn hàng trực tuyến. 
 
Một phần ba các công ty cho biết TMĐT chiếm từ 15% tổng doanh thu trở lên. Trên quy mô toàn quốc, TMĐT đạt gần 2 tỷ USD, tương đương khoảng 2,5% GDP và được dự báo có thể lên tới 6 tỷ USD vào năm 2015. Dù vậy tác giả cũng nhận thấy để TMĐT của Việt Nam thực sự “cất cánh” chính phủ cần có thêm nhiều giải pháp căn cơ, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh, hiện bị xem là thiếu độ tin cậy.

 
So sánh hoạt động mua sắm online của người Việt với một số nước (ảnh: internet
So sánh hoạt động mua sắm online của người Việt với một số nước.
 
“Những rào cản hiện tại đó là sự thiếu tin tưởng của người mua đối với các giao dịch trực tuyến, các biện pháp bảo vệ khách hàng và bảo mật thông tin cũng như việc giải quyết tranh chấp trong giao dịch trực tuyến”, Bangkok Post trích lời ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
 
“Mặc dù vẫn còn một số mặt cần cải thiện, nhiều công ty nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại ngành kinh doanh mới nổi này bởi Việt Nam có dân số lên tới gần 90 triệu và sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu. Những tên tuổi lớn trên thế giới như Google, Alibaba, Rakuten, eBay và Amazon đều đang nhanh chóng đánh dấu sự hiện diện tại đây”, bài báo nhận định.
 
Tháng 6/2012 vừa qua Google đã trở thành thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và có kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh trực tuyến với các thành viên khác. Họ kỳ vọng có thể đạt 30 triệu USD doanh thu mỗi năm tại thị trường Việt Nam với khách hàng tiềm năng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Alibaba cũng đã có đại diện chính thức tại đây trong khi eBay vừa mua 20% cổ phần của Peacesoft Solution, chủ sở hữu website chodientu.com. Amazon và Rakuten cũng đã tiếp cận với các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT trong nước để tìm kiếm khả năng mua cổ phần hoặc trở thành đối tác. 
 
Thanh Tùng
Lược dịch theo Bangkok Post
theo dân trí