Tìm hiểu xem google kiếm được bao nhiêu tiền

Google hôm nay cho biết rằng trong quý 4 của năm tài chính 2014, hãng đã thu về 18,1 tỉ USD doanh thu, tăng 15% so với cùng kì năm trước, còn lợi nhuận ròng là 4,76 tỉ USD, tăng 40,8% so với quý cuối của năm 2013. Tuy nhiên, những con số này lại không cao như kỳ vọng của các nhà đầu tư phố Wall vốn dự đoán rằng Google sẽ thu về 18,46 tỉ USD doanh thu và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 7,11$ (thực tế chỉ 6,88$) trong ba tháng cuối năm. Tính chung cả năm 2014 thì Google thu về 66 tỉ USD doanh thu, cao hơn 19% so với năm trước, và lợi nhuận ròng là 14,44 tỉ USD, tức tăng 11%.

Như mọi kỳ tài chính trước đó, mảng quảng cáo của Google vẫn mang lại nhiều tiền nhất, chiếm 89% tổng thu nhập của công ty trong quý 4 (các trang do Google sở hữu có tỉ trọng doanh thu quảng cáo là 69%, còn các trang đối tối mang về 20% còn lại). Số click quảng cáo tăng khoảng 14% còn chi phí cho mỗi cú click thì tăng khoảng 3% so với cùng kì năm ngoái. Số tiền thu về từ các nước bên ngoài Mỹ là 10,23 tỉ USD, chiếm 56% tổng doanh thu.

Hãng có cẩn thận nói thêm rằng sự biến động tỉ giá đã làm doanh thu của công ty thấp hơn khoảng 541 triệu USD, tức khoảng 3% tổng số tiền thu về trong quý rồi. Lợi nhuận của Google trong quý này cũng có bao gồm khoản tiền lời có được từ việc bán Motorola Mobility cho Lenovo.

Giám đốc tài chính Patrick Pichette cũng chia sẻ thêm rằng Google Play Store đang có hiệu quả kinh doanh tốt, trong khi YouTube thì tăng trưởng doanh thu 100% và tăng số thời gian xem video lên 50% so với năm ngoái. Ông cũng cho biết rằng đối với các mảng kinh doanh khác quảng cáo, hãng quản lý tài chính rất chặt chẽ và khi một dự án nào đó không còn tiềm năng nữa thì hãng sẽ sẵn sàng tạm ngưng, suy nghĩ lại hoặc thậm chí dừng hẳn. Dự án Google Glass gần đây là một trong những ví dụ cụ thể nhất.

Cũng liên quan đến Google, Pichette chia sẻ rằng công ty gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ Nexus 6 của người tiêu dùng. Ông nói công ty ông "gặp những vấn đề lớn và không thể đảm bảo lượng hàng tồn kho" để đáp ứng cho thị trường. Hiện Google vẫn đang nỗ lực để khắc phục tình trạng này.

Nguồn: Google