Sáp nhập VinaPhone - MobiFone: Không thể?

 

(Dân trí) - Việc tách hay nhập vẫn đang được Bộ TT-TT xem xét nhằm đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc đưa ra vấn đề sáp nhập đang đi ngược với định hướng tái cơ cấu khu vực DNNN và pháp luật cạnh tranh.

Vấn đề "nên hay không thực hiện sáp nhập đối với hai mạng VinaPhone và MobiFone của VNPT" đã làm nóng tọa đàm giữa đại diện các cơ quan nhà nước, nhà mạng cũng như chuyên gia diễn ra chiều 12/9 tại Hà Nội.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, "có lẽ phải khẳng định ngay rằng, trường hợp này là không thể". Theo đó, vị chuyên gia này dẫn ra 2 lý do: Thứ nhất, phải xem xét lại Luật Cạnh tranh - liệu luật có cho phép hay không. Thứ hai, trong bối cảnh nhà nước đang thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước thì việc đặt vấn đề cho sáp nhập hai doanh nghiệp này là tín hiệu không tốt trong tiến trình cải cách hiện nay.

Từ nay đến cuối năm sẽ có kết luận nhập hay tách MobiFone và VinaPhone.

Từ nay đến cuối năm sẽ có kết luận nhập hay tách MobiFone và VinaPhone.

Đứng từ góc độ pháp luật cạnh tranh, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, trường hợp này phức tạp và cần xem xét đến thị phần nắm giữ của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo lời vị này thì hiện tại, MobiFone và Vinaphone đang chiếm giữ bao nhiêu thị phần, Cục Quản lý cạnh tranh không nắm được.

Theo lý giải của đại diện Bộ Công thương, Luật Cạnh tranh xác định thị phần trên tiêu chí doanh thu chứ không phải dựa trên số lượng thuê bao mà các dữ liệu này chưa được thu thập đầy đủ. Song nhìn chung, dựa trên tiêu chí doanh thu, luật cấm sáp nhập nếu thị phần kết hợp chiếm trên 50% tổng doanh thu toàn ngành.

Về phía Bộ TT&TT, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện tại, VNPT đã có đề xuất lên Bộ TT&TT báo cáo các Bộ, ngành liên quan đề nghị cho sáp nhập. Bộ đang tổ chức nghiên cứu việc tách hay nhập, hiện chưa có quyết định cuối cùng.

Ông Hải cũng nhắc lại, nguyên tắc tái cơ cấu thị trường viễn thông là cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường. Nhà nước sẽ thoái vốn dần khỏi các doanh nghiệp viễn thông mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối.

Cụ thể, cơ quan điều hành đã duyệt danh mục các doanh nghiệp Nhà nước còn đang tiếp tục giữ cổ phần chi phối, còn các doanh nghiệp khác, nhà nước khuyến khích cổ phần hóa và thoái vốn.

Ngoài ra, một trong những yếu tố duy trì cạnh tranh lành mạnh là tài nguyên viễn thông phân bổ cho các doanh nghiệp phải đảm bảo công bằng, không tập trung quá nhiều vào một vài doanh nghiệp. Đồng thời, phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Trên cơ sở đó, Cục Viễn thông đang được giao xem xét đề xuất của VNPT và hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phân tích xem xét việc tách/nhập tác động thế nào đến toàn bộ thị trường, nhằm đảm bảo, duy trì cạnh tranh lành mạnh.

Theo ông Hải, cả ai phương án nhập hay tách đều có ưu/nhược, đều có những vấn đề riêng nếu xét lại bức tranh kinh doanh hiện nay của VNPT. Do vậy, song song với việc tách/nhập cần có chính sách đi kèm để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

"Quan điểm của chúng tôi là phải duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp tương đương nhau trên thị trường. Từ giờ đến cuối năm Bộ TT&TT sẽ có kết luận chính thức về việc tách/nhập MobiFone - Vinaphone và sẽ có công bố công khai, minh bạch" - ông Hải cho hay.

Cạnh tranh là nền tảng, "máu thịt" của kinh tế thị trường

Tham gia đóng góp tại buổi tọa đàm, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc tế Ban Mai Việt Nam cho rằng, nền kinh tế tập trung quyền lực vào 1-2 nhà mạng lớn, để các nhà mạng nhỏ chết dần là vô cùng nguy hiểm. Hiện tại, theo ông Hùng, thị trường Việt Nam có 3 nhà mạng là đáng kể đến là Viettel, VinaPhone - MobiFone (VNPT) và Vietnam Mobile. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các nhà mạng này sẽ là rất lớn và khó lấp đầy nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile.

TS Võ Trí Thành sau khi ghi nhận những đột phá trong bước phát triển thị trường viễn thông thời gian vừa qua liền đặt ra câu hỏi, với cấu trúc thị trường như hiện nay, liệu Việt Nam còn tiếp tục có được đà phát triển như 15 -20 năm qua hay không? Rõ ràng, theo ông, có một số mối quan ngại, mà trước hết có thể thấy qua việc một số nhà đầu tư đã bắt đầu cảm thấy khó chơi với thị trường Việt Nam, bắt đầu rút lui - Beeline là một ví dụ.

Ông Thành nhận xét, vấn đề đối với thị trường Việt Nam hiện tại đó là đang bị chi phối bởi 3 nhà mạng lớn đều của Nhà nước. Như vậy, liệu có cạnh tranh khi có 3-4 công ty trên thị trường nhưng các công ty này đều thuộc Nhà nước hay không?

Vị chuyên gia đánh giá, cấu trúc thị trường rõ ràng là đang có vấn đề. Đến đây, ông Thành nhắc lại nền tảng về cạnh tranh mà theo đó, cạnh tranh là máu thịt, là nền tảng của kinh tế thị trường.

Có 2 vấn đề đối với thị trường được đặt ra. Thứ nhất là việc gia nhập và rút lui khỏi thị trường. Phí gia nhập thị trường viễn thông rất cao hay còn gọi là chi phí chìm. Một khi đã có một doanh nghiệp gia nhập thị trường trước và thiết lập được mạng thì những doanh nghiệp đi sau rất khó vào. Chi phí chìm không tái tạo được. Do đó, 1 trong những ý tưởng quan trọng để tạo cạnh tranh là bên cạnh áp lực gia nhập, rút lui thị trường là phải giảm được chi phí này.

Ông Thành cũng lưu ý, nguyên lý cạnh tranh là không phải để bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là để bảo vệ áp lực cạnh tranh. Vì số lượng người chơi trên thị trường này là hạn chế nên 1 trong những cách để tạo cạnh tranh là cổ phần hóa. Ý nghĩa của cổ phần hóa không đơn thuần nhằm thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách mà còn tạo thêm đối tác chiến lược, từ đó cải thiện được kỹ năng quản trị, công nghệ, cách thức dịch vụ mới, tạo tiêu chuẩn để các doanh nghiệp khác phải theo. Đó cũng là cách thức tạo áp lực cạnh tranh.

Ngoài ra, ông Thành còn nhấn mạnh: Mặc dù từ năm 2010 đã thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhưng đến nay việc thực hiện Luật này và Luật Cạnh tranh vẫn còn yếu. Mọi kịch bản chính sách đều phải hướng đến bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

Bích Diệp