Nhận diện cử động khuôn mặt và cử động ngón tay, bước đầu tiên để chế tạo máy tính Iron Man

Tại IDF 2012 thì các nhà khoa học thuộc Intel Lab đã trình diễn khá nhiều nghiên cứu mới của họ, một vài nghiên cứu còn rất lâu mới có thể ứng dụng được nhưng chúng ta vẫn thấy xuất hiện khá nhiều nghiên cứu mang tính thực tế hơn. Trong buổi keynote đầu tiên của triễn lãm, phó chủ tịch Intel đã cho biết họ mong ước một ngày nào đó chúng ta có thể tương tác với máy tính như kiểu Iron Man, tức là thay vì phải copy-paste, kéo qua kéo lại các file thì tất cả những gì chúng ta cần làm là lấy tay túm file đó và kéo qua màn hình bên cạnh. Tất nhiên, để thực hiện được điều đó thì chúng ta phải có những bước đầu tiên: nhận diện được cử động của từng ngón tay và cử chỉ của khuôn mặt. Đại diện Intel đã hoàn thiện công nghệ này và bán ra đầu tháng 10 năm nay.

Để công nghệ nhận diện hoạt động, chúng ta cần 1 camera mà ở đây camera thử nghiệm với 2 ống kính của Creative được lựa chọn. Sản phẩm này sẽ bán với giá khoảng 145$ trong thời gian sắp tới nhưng mình nghĩ trong vài năm nữa các nhà sản xuất sẽ tích hợp trực tiếp nó vào máy. Camera này sẽ ghi lại các cử động của khuôn mặt bạn, bao gồm cả khi chúng ta cười, nói, nheo mắt, các cử động ngón tay, co bóp, vặn…. để phần mềm chia thành nhiều điểm khác nhau để phân tích. Khi phần mềm đã đạt đến một mức độ nào đó thì nó sẽ hiểu được vật thể trước mặt là gì, quả táo, lá cây… chứ không chỉ như hiện nay.

Có thể bạn sẽ hỏi những điều trên sẽ có tác dụng gì, nhưng trong buổi giới thiệu đại diện Intel đã chụm 10 ngón tay ra trước màn hình máy tính, ông kéo nó ra và 1 quả địa đầu từ từ bung ra trên màn hình, cực kỳ ấn tượng. Khi kết hợp những nghiên cứu này với máy chiếu lập thể thì chúng ta có thể ứng dụng nó vào giáo dục, vào trình diễn…, sống động và đễ hiểu hơn hẳn việc dùng bản đồ 2D. Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa ngón tay tương tác với các ứng dụng trên màn hình chỉ bằng cách vẫy, ví dụ ta đưa 2 ngón tay chụm lại, kéo ra xa và thả, khi này máy bắn đá sẽ bắn bung bức tường gạch ở đằng xa.

Ngoài ra Intel cũng trình diễn công nghệ biến bất cứ bề mặt nào thành một màn hình tương tác như bạn có thể thấy ở hình dưới. Họ thậm chí còn dùng một vật thể có bề mặt cầu lõm và chúng ta có thể lấy tay xoay các hình ảnh trên đó như một màn hình cảm ứng thông thường.

Các bạn hứng thú với những công nghệ này có thể tìm hiểu thêm với thuật ngữ perceptual computing, đây sẽ là tương lai của máy tính.

Có thể tham khảo thêm tại www.intel.com/software/perceptual

video: